Vì sao nền giáo dục Phần Lan đứng thứ hạng cao trên thế giới?

Nền giáo dục của Phần Lan luôn được thế giới công nhận là có chất lượng đào tạo cao. Vậy thì điều gì đã khiến nền giáo dục của quốc gia này nổi trội hơn so với các địa điểm du học khác? Bài viết dưới đây sẽ phân tích những yếu tố then chốt góp phần giúp giáo dục Phần Lan luôn đứng hạng cao trên thế giới.

Trẻ con không cần phải nhập học sớm

Ở những quốc gia khác, đặc biệt là các nước Châu Á thì phụ huynh thường có  khuynh hướng bắt ép con mình học chữ càng sớm càng tốt để có thể cạnh tranh với bạn bè đồng trang lứa khi nhập học chính thức. Ngay tại Việt Nam, chuyện các bé phải đi học chữ hay đếm số trước khi vào lớp một cũng khá phổ biến. Tuy nhiên ở Phần Lan lại không xảy ra hiện trạng đi học sớm này. Trẻ con tại đây không cần lo lắng đến việc học thêm học bớt trong giai đoạn trước khi vào lớp 1. Thậm chí độ tuổi vào lớp 1 ở nước này là 7 tuổi, trễ hơn các quốc gia khác tận một năm.

Trước khi vào lớp 1, từ cột mốc 8 tháng tuổi trở đi thì tất cả mọi trẻ em ở Phần Lan cũng đều nhận được chế độ chăm sóc sức khỏe và giữ trẻ miễn phí. Chính sách này đã được áp dụng từ năm 1996 cho đến nay. Các môn học ở giai đoạn dưới 7 tuổi không bao gồm đọc viết hay làm toán mà sẽ liên quan đến thiên nhiên, động vật và sự sống để các bé vừa học vừa chơi.

Không có trường đặc biệt cho trẻ em khuyết tật

Chủ trương của nền giáo dục Phần Lan là không phân biệt đối xử vì những khiếm khuyết của trẻ em. Ngược lại quốc gia này còn quan tâm và trân trọng sự khác biệt và nhu cầu riêng của mỗi cá thể trong xã hội. Chính vì vậy nên ở Phần Lan mọi trẻ em gồm cả các bé cần chăm sóc đặc biệt đều được học chung trong một lớp. Để hạn chế những khó khăn mà các học sinh khuyết tật phải đối mặt thì giáo dục Phần Lan đã tự điều chỉnh hệ thống giảng dạy của mình.

Cụ thể thì mỗi trường học tại Phần Lan đều tuyển một giáo viên có chuyên môn về chăm sóc người khuyết tật để phụ trách chăm lo cho những học sinh có nhu cầu đặc biệt. Ngoài ra thì cán bộ nhân viên nhà trường, đội ngũ y tá, người hoạt động xã hội, chuyên viên tâm lý, thầy cô giáo đứng lớp và kể cả hiệu trưởng cũng thường xuyên gặp mặt học sinh trong lớp để lắng nghe những vấn đề các em đang gặp phải nhằm ra tay giúp đỡ.

Quá trình xét tuyển giáo viên gắt gao

Vào mỗi đợt tuyển dụng giáo viên tại Phần Lan hàng năm, chỉ có 10% ứng viên đứng ở top đầu mới được duyệt để trở thành giáo viên chính thức. Điều đó có nghĩa để trở thành giáo viên ở Phần Lan không hề dễ. Vì thế nên công việc sư phạm tại Phần Lan luôn được mọi người kính trọng và có vị trí cao trong xã hội không khác gì nghề bác sĩ hay luật sư.

Công việc giáo viên tại Phần Lan có thu nhập cao nhưng không phải làm việc quá nhiều nếu so với các quốc gia phát triển khác. Thông thường giáo viên ở Phần Lan chỉ dành khoảng 4 đến 5 tiếng mỗi ngày cho việc giảng dạy. Thời gian còn lại họ sẽ dùng để họp giao ban, lên kế hoạch giảng dạy với đồng nghiệp hoặc gặp gỡ đối tác để đầu tư cho bài giảng.

Giáo viên tại Phần Lan thậm chí còn được phép tự do sáng tạo trong phương pháp giảng dạy miễn cách thức đó phù hợp. Họ cũng không phải tuân theo quy chuẩn đánh giá năng lực học viên qua các bài kiểm tra mà có thể tự đưa ra khung đánh giá khác. Với những yếu tố trên thì không ngạc nhiên khi công việc giáo viên luôn được người Phần Lan mong muốn dấn thân và theo đuổi.

Không có gánh nặng thi cử

Học sinh tại Phần Lan không phải trải qua quá nhiều kỳ thi chuẩn hóa áp lực như các nền giáo dục khác trên thế giới. Trong suốt quá trình học tập, chỉ có một kỳ thi chuẩn hóa bắt buộc cho học sinh Phần Lan là Bài Thi Đại Học Quốc Gia (National Matriculation Examination) sau khi kết thúc lớp 12. Nhưng bài thi trên chỉ dành cho bạn nào chọn học cấp 3 từ lớp 10 đến lớp 12. Đối với những bạn chọn học nghề sau khi kết thúc lớp 9 thì không cần phải dự thi bài này. Số lượng học sinh chọn học nghề tại Phần Lan chiếm khoảng 50%.

Kỳ thi đại học của Phần Lan cũng không tạo nhiều áp lực đè nặng lên vai người học. Bài thi chủ yếu đánh giá các kỹ năng và kiến thức quan trọng. Nhìn chung thì hệ thống giáo dục Phần Lan chủ yếu tập trung vào sự phát triển của người học hơn là các bài kiểm tra. Cách tiếp cận này giúp học sinh tại Phần Lan bớt áp lực trong học hành và phát triển được khả năng tư duy phản biện.

Thời gian nghỉ giải lao nhiều

Trung bình, học sinh tại Phần Lan có tổng thời gian nghỉ giải lao giữa giờ là là… 75 phút mỗi ngày. Cụ thể thì cứ mỗi 45 phút học trong lớp thì sẽ có 15 phút nghỉ giải lao. Không chỉ có giờ nghỉ nhiều, giờ học của học sinh tại Phần Lan cũng không bao giờ rơi vào trường hợp quá tải. Đối với các em học sinh lớp 1 và lớp 2 thì mỗi tuần chỉ có khoảng 20 giờ học trên lớp. Càng lên bậc học cao hơn thì giờ học sẽ tăng từ từ.

Không những có thời gian nghỉ nhiều ở lớp mà học sinh tại Phần Lan còn có nhiều thời gian để vui chơi khi về nhà do không phải làm quá nhiều bài tập. Học sinh ở Phần Lan được khuyến khích dùng thời gian ở nhà để tham gia các hoạt động ngoại khóa khác.

Nam nữ có cơ hội phát triển ngang nhau

Nền giáo dục Phần Lan luôn cố gắng vượt qua định kiến về giới tính và tuổi tác trong học tập. Phần Lan là quốc gia phát triển duy nhất có nữ sinh đạt thành tích cao trong lĩnh vực khoa học cũng như có mặt trong danh sách sinh viên ưu tú vượt qua nam sinh. Đây là minh chứng cho việc nữ giới vẫn có khả năng vượt qua nam giới về khoa học. Để có được kết quả này, Phần Lan đã có những chính sách bình đẳng giới hợp lý, quy chế nghỉ hậu sản hợp tình và những chiến lược khác để đảm bảo nữ giới luôn có chỗ đứng nhất định không chỉ trong khoa học mà còn ở những lĩnh vực khác.

call-to-like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *